Phòng cháy chữa cháy luôn là trách nhiệm của mọi cá nhân và tổ chức trong xã hội, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự an toàn về tài sản và cả tính mạng của tất cả mọi người. Riêng với các công trình kinh doanh cho thuê như chung cư mini hay căn hộ dịch vụ, nhận định này lại càng trở nên đúng đắn hơn nữa. Nguyên do sở dĩ bởi những loại hình như thế sẽ bao gồm rất nhiều phòng, tập trung đông người trong một diện tích không quá lớn. Hơn nữa, hiện nay kết cấu kiến trúc của các công trình này cũng chưa được tối ưu, cơ sở vật chất phục vụ PCCC cũng chưa được đảm bảo,… dễ dẫn đến các sự cố khó lường trước.
Trong bài viết này, KASI sẽ chia sẻ với mọi người về các tiêu chuẩn dành cho hệ thống thoát hiểm, hệ thống PCCC dành cho các chung cư mini, căn hộ dịch vụ một cách chi tiết, đầy đủ nhất, cập nhật chính xác theo tiêu chuẩn mới nhất năm 2024.
A. Danh sách các tiêu chuẩn áp dụng
1. Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy với nhà và công trình (Xem văn bản gốc tại đây)
2. Thông tư 09/2023/TT-BXD bổ sung sửa đổi QCVN 06:2022 (Xem văn bản gốc tại đây)
3. Tiêu chuẩn TCVN 3890-2023 Trang bị – bố trí hệ thống PCCC (Xem văn bản gốc tại đây)
4. Tiêu chuẩn TCVN 5738-2021 quy định thiết bị báo cháy (Xem văn bản gốc tại đây)
5. Tiêu chuẩn TCVN 7336-2021 Hệ thống chữa cháy tự động (Xem văn bản gốc tại đây)
B. Một số chú thích:
Số tầng của tòa nhà: bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất và tầng hầm , tầng bán hầm ( Không tính tầng áp mái. Tầng tum không được tính vào số tầng của công trình khi diện tầng mái tum không vượt quá 30% tổng diện tích sàn mái.Tầng lửng không được tính vào số tầng của nhà khi diện tích tầng lửng không vượt quá 65% diện tích sàn sử dụng
Chiều cao PCCC: Là khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép dưới của lỗ cửa mở trên tường ngoài của tầng trên cùng. Đối với tầng không có cửa sổ thì khoảng cách được tính từ mặt đường đến giữa tầng trên cùng.
C. TIÊU CHUẨN LỐI THOÁT NẠN VÀ THANG THOÁT HIỂM
I. Số lối thoát nạn cho gian phòng
Các gian phòng phải bố trí ít nhất 2 lối thoát nạn:
– Các gian phòng ở tầng hầm và bán hầm có mặt đồng thời trên 15 người. Riêng các gian phòng trong tầng hầm và tầng nửa hầm có từ 6 đến 15 người có mặt đồng thời thì cho phép một trong hai lối ra là lối khẩn cấp.
– Các gian phòng ở tầng trên cote +0.00 có mặt đồng thời trên 50 người.
Chú ý : Các cửa của lối thoát nạn và các cửa khác trên đường thoát nạn phải được mở theo chiều lối thoát từ trong nhà ra ngoài.
II. Số lối ra thoát nạn của tầng nhà
Là lối thoát nạn trên các tầng của tòa nhà. từ hành lang tới các vị trí thoát hiểm như cầu thang bộ, lối thoát hiểm khẩn cấp, thang dây thoát hiểm, tới các vị trí an toàn,…
Chú ý: Khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào căn hộ hoặc phòng ở đến lối thoát nạn gần nhất không quá 20m.
1. Phải bố trí 2 lối thoát nạn trên các tầng của tòa nhà
Đối với mô hình khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà cho thuê, ký túc xá thường tập chung nhiều người sinh hoạt chung một lúc nên việc bố trí lối thoát hiểm để thoát nạn khi trường hợp có sự cố cháy nổ xảy ra là việc rất quan trọng.
Thế nên mô hình này bắt buộc phải bố trí 2 lối thoát nạn trừ các trường hợp nếu ở bên dưới.
2. Trường hợp được bố trí 1 lối thoát nạn phải đảm bảo đồng thời các điều kiện:
a, Đối với các nhà có chiều cao PCCC không quá 15m
– Diện tích mỗi tầng đang xét không được lớn hơn 300 m2.
– Số người lớn nhất trên mỗi tầng không vượt quá 20 người.
– Không được để xe cơ giới, không được bố trí kho hạng A,B,C tại tầng có lối thoát nạn ra ngoài nhà trừ khi các khu vực này được ngăn cách theo các quy định của quy chuẩn này.
– Đối với nhà có trên 3 tầng hoặc có chiều cao PCCC lớn hơn 9m, các lối ra thoát nạn của các gian phòng và từ mỗi tầng phải tuân thủ yêu cầu của tiêu chuẩn QCVN-06-2022.
– Đối với nhà từ 3 tầng trở xuống hoặc có chiều cao PCCC từ 9m trở xuống, được sử dụng cầu thang bộ loại 2 để thoát nạn khi bảo đảm điều kiện trong nhà có thể thoát ra lối thoát nạn khẩn cấp, ban công, lô thoáng, và thang bộ loại 2 phải được ngăn cách với khu vực tầng hầm bằng vách ngăn cháy loại 2.
b, Đối với các nhà có chiều cao PCCC từ 15m đến 21m
– Diện tích mỗi tầng đang xét không được lớn hơn 200m2.
– Số người lớn nhất trên mỗi tầng không vượt quá 20 người.
– Không được để xe cơ giới, không được bố trí kho hạng A,B,C tại tầng có lối thoát nạn ra ngoài nhà trừ khi các khu vực này được ngăn cách theo các quy định của quy chuẩn này.
– Các khu vực có công năng đang xét được bảo vệ bằng chữa cháy tự động. Trường hợp không thể trang bị chữa cháy tự động thì thay thế bằng hệ thống báo cháy tự động cho toàn bộ nhà.
– Người trong nhà có thể thoát ra lối thoát nạn khẩn cấp, ban công, lô thoáng, qua cửa sổ hoặc lối thoát nạn khẩn cấp tương tự ví dụ:
+ Thang P1, P2, thang ngoài nhà
+ Thang dây
+ Ống tụt và các thiết bị hỗ trợ khác
+ Lên được sân thượng thoáng khi có cháy
c, Đối với nhà có chiều cao PCCC từ 21m đến 25m
– Diện tích mỗi tầng đang xét không được lớn hơn 150m2.
– Số người lớn nhất trên mỗi tầng không vượt quá 15 người.
– Không được để xe cơ giới, không được bố trí kho hạng A,B,C tại tầng có lối thoát nạn ra ngoài nhà trừ khi các khu vực này được ngăn cách theo các quy định của quy chuẩn này.
– Nhà được bảo vệ bằng hệ thống chữa cháy và báo cháy tự động toàn bộ nhà.
– Người trong nhà có thể thoát ra lối thoát nạn khẩn cấp, ban công, lô thoáng, qua cửa sổ hoặc lối thoát nạn khẩn cấp tượng tự ví dụ:
+ Thang P1, P2, thang ngoài nhà
+ Thang dây
+ Ống tụt và các thiết bị hỗ trợ khác
+ Lên được sân thượng thoáng khi có cháy
Ghi chú : Tại mỗi ban công thoáng có thể thả dây thoát hiểm cũng được coi là một lối thoát hiểm khẩn cấp. Yêu cầu ban công phải đảm bảo tuân thủ theo QCVN 06:2022.
3. Kích thước tiêu chuẩn của lối thoát nạn
– Chiều cao thông thủy không được nhỏ hơn 2m.
– Chiều rộng phụ thuộc vào từng nhóm nhà:
+ 1.2m : Đối với hành lang thoát hiểm cho 50 người
+ 0.7m : Đối với lối đi đến các chỗ làm việc đơn lẻ
+ 1.0m : Trong tất cả các trường hợp còn lại
III. Bố trí thang thoát hiểm, kích thước tiêu chuẩn
1. Các loại thang có thể bố trí trong mô hình này
+ Thang L1, L2, loại 1.
+ Thang loại 3 (làm bằng vật liệu không cháy, vị trí bố trí thang không có cửa sổ và ô thoáng).
+ Các loại buồng thang N1, N2, N3.
Đối với các nhà có chiều cao PCCC không quá 28m được phép sử dụng cầu thang bộ loại 2 nối hai tầng trở lên khi các buồng thang bộ đáp ứng nhu cầu theo tiêu chuẩn (Ngăn cách với các gian phòng bằng vách, cửa chống cháy).
– Đối với cầu thang bộ loại 2 nối thông 3 tầng trở lên không được tính là lối thoát nạn.
– Đối với nhà có tầng hầm thang đi từ tầng hầm lên sảnh tầng 1 phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Các lối ra từ tầng hầm đi qua các buồng thang bộ chung có lối đi riêng ra bên ngoài được ngăn cách với phần còn lại của buồng thang bộ bằng vách đặc ngăn cháy loại 1.
+ Đối với các nhà dưới 28m, trường hợp không thể bố trí được lối đi riêng ra bên ngoài mà phải đi qua sảnh chung thì lối vào buồng thang bộ trung từ các tầng hầm phải đi qua khoang đệm với giải pháp bao che giống như khoang đệm ngăn cháy loại 1, và phải có vách ngăn cháy loại 1 ngăn cách với phần còn lại của buồng thang bộ.
2. Kích thước tiêu chuẩn của thang thoát hiểm:
– Chiều rộng bản thang bộ phụ thuộc vào các nhóm nhà:
+ 1.2m : Khi số người trên 1 tầng > 200 người.
+ 0.7m : Đối với các cầu thang bộ dẫn đến các chỗ làm việc đơn lẻ.
+ 0.9m : Đối với các trường hợp còn lại.
– Chiều rộng mặt bậc > 25cm trừ các cầu thang ngoài nhà.
– Chiều cao bậc 5cm < h < 22cm.
+ Độ dốc buồng thang bộ trên lối thoát nạn < 45 độ.
+ Độ dốc cầu thang hở dẫn tới chỗ làm việc đơn lẻ < 63.5 độ.
+ Chiều rộng của chiếu thang bộ không nhỏ hơn chiều rộng của bản thang.
+ Các chiếu nghỉ trung gian trong bản thang bộ có chiều dài không nhỏ hơn 1.0m.
+ Trên sàn của đường thoát nạn (chiếu nghỉ) không được có các giật cấp với chiều cao chênh lệch nhỏ hơn 45 cm hoặc có gờ nhô lên, ngoại trừ các ngưỡng trong các ô cửa đi. Tại các chỗ có giật cấp phải bố trí bậc thang với số bậc không nhỏ hơn 3 hoặc làm đường dốc với độ dốc không được lớn hơn 1:6 (độ chênh cao không được quá 10 cm trên chiều dài 60 cm hoặc góc tạo bởi đường dốc với mặt bằng không lớn hơn 9,5°).
+ Đối với buồng thang bộ loại L2 phải có lỗ lấy ánh sáng trên mái có diện tích không nhỏ hơn 4m2. Và khoảng cách giữa các vế thang không nhỏ hơn 0.7m.
D. HỆ THỐNG PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
I. Hệ thống báo cháy tự động
1. Quy mô phải bố trí
Đối với nhà chuyên kinh doanh dịch vụ Lưu trú: Nhà trọ, Khách sạn và các cơ sở lưu trú.
– Cao từ 3 tầng trở lên hoặc khối tích từ 1.500 m3 trở lên.
– Có tầng hầm phải bố trí hệ thống báo cháy tự động.
(Cho phép trang bị báo cháy cục bộ khi chiều cao thấp hơn 5 tầng và khối tích nhỏ hơn 1.500 m3)
Hiện trên thị trường có hai loại hệ thống báo cháy chủ yếu:
– Báo cháy không dây:
+ Ưu điểm: Dễ lắp đặt, di chuyển linh hoạt, tính thẩm mỹ cao, thời gian thi công nhanh.
+ Nhược điểm: Giá thành cao, yêu cầu bảo trì thay pin định kỳ.
– Báo cháy có dây:
+ Ưu điểm: Giá thành rẻ, có thể bố trí cho mọi quy mô công trình.
+ Nhược điểm: Thi công phức tạp, tính thẩm mỹ thấp.
2. Bố trí hệ thống báo cháy
a, Đầu báo cháy khói
Diện tích bảo vệ của một đầu báo khói, khoảng cách tối đa giữa các đầu báo khói với nhau và giữa đầu báo khói với tường được xác định theo bảng sau.
Chú ý: Đầu báo cháy khói bố trí để phát hiện khói khi có đám cháy xảy ra. Nếu tại các vị trí bếp đun hay sinh khói không nên dùng đầu báo cháy khói.
b, Đầu báo cháy nhiệt
Diện tích bảo vệ của một đầu báo cháy nhiệt, khoảng cách tối đa giữa các đầu báo cháy nhiệt với nhau được xác định theo bảng sau.
Chú ý: Đầu báo cháy nhiệt kiểu điểm phải được bố trí nhằm loại bỏ ảnh hưởng của các hiệu ứng nhiệt không liên quan đến đám cháy.
II. Hệ thống chữa cháy tự động
1. Quy mô phải bố trí
– Chiều cao PCCC > 25m phải bố trí– Hoặc tổng diện tích sàn từ 5.000 m2 trở lên phải bố trí.
– Tầng hầm, bán hầm lưu giữ ô tô, xe máy phải bố trí.
Hệ thống chữa cháy được tự động kích hoạt khi các yếu tố của đám cháy đạt ngưỡng tác động trong khu vực bảo vệ.
2. Bố trí hệ thống chữa cháy tự động như thế nào?
Hệ thống chữa cháy tự động bao gồm:
+ Đường ống cấp nước tới các đầu phụ.
+ Đầu phun sprinkler
+ Hệ thống bơm đảm bảo lưu lượng và áp lực nước tính toán.
+ Hệ thống tăng áp để đảm bảo áp suất cần thiết trong đường ống.
Nước được dùng cho hệ thống chữa cháy tự động đa phần từ bể ngầm và téc nước dự trữ trên mái. hoặc trong trường hợp có nguồn nước ngoài nhà thì có thể sử dụng.
Hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, các thông số kỹ thuật được thống kê ở bảng dưới đây:
– Khoảng cách giữa các đầu phun không được nhỏ hơn 1.5m.
– Đối với các vách, tường được làm từ các vật liệu không cháy hoặc bề mặt của cấu kiện được cấu tạo từ vật liệu có chỉ tiêu kỹ thuật về cháy không nguy hiểm (K0, K1).
+ Khoảng cách giữa đầu phun và tường không được vượt quá một nửa khoảng cách giữa các đầu phun (<2m)
– Đối với các vách, tường được làm từ các vật liệu cháy vừa phải, bề mặt cấu kiện làm bằng vật liệu dễ cháy và các loại khác (K2,K3).
+ Khoảng cách từ đầu phun tới tường, vách không được vượt quá 1,2 m.
+ Khoảng cách ngang từ đầu phun tới tường và từ đầu phun tới mép mái, trần phải đảm bảo:
Không quá 1.5m: Mái trần làm từ vật liệu không cháy (K0).
Không quá 0.8m: Trong các trường hợp còn lại.
– Thể tích nước dự trữ tối thiểu cho hệ thống chữa cháy:
V = lưu lượng x thời gian = 10 x 30 x 60 = 18.000 lít = 18m3.
III. Hệ thống chữa cháy vách tường
1. Quy mô phải bố trí
+ Cao ≥ 5 tầng.
+ Khối tích ≥ 5.000m3.
+ Tầng hầm, bán hầm phải có.
Bao gồm tổng hợp các thiết bị chuyên dùng gồm van khóa, vòi, lăng phun được lắp đặt sẵn để triển khai đưa nước đến đám cháy.
2. Bố trí chữa cháy vách tường như thế nào?
Hệ thống chữa cháy vách tường là hệ thống chữa cháy bán tự động. Như tên gọi hệ thống này được đặt ở các vách tường, cầu thang thoát hiểm.
Số tia phun chữa cháy và lưu lượng tối thiểu đối với hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà thể hiện ở bảng sau.
Nước được dùng cho hệ thống chữa cháy vách tường đa phần từ bể ngầm hoặc tắc nước dự trữ trên mái. Hoặc trong trường hợp có nguồn nước ngoài nhà thì có thể sử dụng.
Lưu lượng nước dự trữ tối thiểu cho một họng nước chữa cháy vách tường:
V = lưu lượng x thời gian = 2.5 x 60 x 60 x 3 = 27000l = 27m3.
Công suất bơm tối thiểu : 9m3/giờ.
3. Hệ thống chữa cháy ngoài nhà
Trường hợp phải bố trí:
+ Nhà có các tầng cao ≥ 6 tầng.
+ Hoặc khối tích ≥ 5.000 m3.
IV. Bình cứu hỏa, tiêu lệnh, nội quy, biển chỉ dẫn
1. Bố trí bình cứu hỏa
Bố trí bình cứu hỏa phụ thuộc vào các vật dụng trong gian phòng như các vật liệu vải, đồ nội thất dạng gỗ, vật liệu dễ cháy. Mức độ đám cháy nên bình chữa cháy được cung cấp và bố trí theo bảng sau:
a, Đối với mối nguy hiểm cháy loại A
– Khái niệm: Là các đám cháy thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Loại cháy này xuất phát từ các vật liệu dễ cháy như gỗ, giấy, vải, nhựa, hoặc các loại chất liệu từ tự nhiên khác.
– Thường dùng bình chữa cháy dạng bột, dạng nước có phụ gia, chất tạo bọt.
b, Đối với đám cháy loại B
– Khái niệm: Đám cháy chất lỏng hoặc cháy tan trong nước như: Rượu, ete, halon v.v.. Trừ mối nguy hiểm của chất lỏng cháy có chiều dày có thể đánh giá được.
– Đám cháy loại B thường dùng các loại bình chữa cháy dạng sau:
+ Bình chứa dạng bột.
+ Bình chứa dạng cacbon dioxit.
+ Bình chữa cháy dạng chất chữa cháy sạch.
+ Bình chữa cháy dạng chất tạo bọt hoặc nước có chất phụ gia.
Bảng bố trí bình chữa cháy loại B:
2. Bố trí biển báo, tiêu lệnh chữa cháy
a, Tiêu lệnh chữa cháy, sơ đồ báo cháy
Tiêu lệnh chữa cháy và biển nội quy nên treo ở những vị trí dễ nhìn và có nhiều người qua lại, được đặt cùng bình chữa cháy như: hành lang, sảnh, văn phòng.
Kích thước của sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phụ thuộc vào tính, tính chất hoạt động, diện tích của tầng, phòng, phương án thoát nạn nhưng không được nhỏ hơn:
+ 600×400 mm: đối với sơ đồ chỉ dẫn tại tầng.
+ 400×300 mm: đối với sơ đồ chỉ dẫn tại phòng.
Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn được gắn sao cho mép dưới nằm ở độ cao 1.5m ± 0.2m so với mặt sàn.
b, Biển báo, biển chỉ dẫn
Biển báo an toàn phải được lắp ở độ cao từ 2m đến 2.7m so với mặt sàn.
Ngay trên cửa nếu cửa có chiều cao lớn hơn 2.7m.
Các khu vực không được bảo vệ chống khói khiến khói được tích tụ có thể che khuất thì biển báo an toàn nên được lắp thấp hơn trần nhà tối thiểu 0.5m để tránh ngập khói và không được lắp đặt biển báo an toàn được chiếu sáng từ bên ngoài.