TRÁNH NHỮNG SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG KHI THIẾT KẾ NHÀ THEO PHONG CÁCH TỐI GIẢN

Chia sẻ

Minimalism (tối giản) đã trở thành một phong cách thiết kế vô cùng phát triển và được ưa chuộng trong thập kỷ qua. Thế hệ trẻ ngày nay đang hướng nhiều tới khái niệm về sự gọn gàng, đơn giản trong không gian sống và nắm vững được cốt lõi của tiêu chí “less is more”. Về bản chất, phong cách thiết kế tối giản là việc tinh giản những vật dụng thừa thãi, không cần thiết, chỉ giữ lại những chi tiết quan trọng. Ban đầu đa phần sẽ lầm tưởng rằng minimalism rất dễ thực hiện, nhưng nhiều người vẫn mắc phải sai sót phổ biến sau đây khi định hướng thiết kế nhà cửa theo phong cách này. Hãy cùng KASI tìm hiểu những sai lầm cần tránh ấy là gì qua bài viết này nhé. 

 

1. Bỏ qua yếu tố kết cấu

Sự tinh giản là một trong những nguyên tắc chính của phong cách thiết kế Minimalism, tuy nhiên nhiều người lại lầm tưởng càng ít càng tốt nghĩa là để cho căn nhà càng ít đồ, càng “đơn sơ” càng tốt. Như vậy vô tình sẽ tạo ra cảm giác trống rỗng cho không gian sống. Đây cũng là một lỗi sai phổ biến với những người mới tìm hiểu và không nắm rõ được bản chất của phong cách tối giản. Trong quá trình thiết kế không gian tối giản, cần tập trung chọn nội thất đáp ứng được đầy đủ công năng, vừa tối ưu hóa được diện tích sống và vẫn đảm bảo đầy đủ tính năng cần thiết phục vụ gia chủ. Yếu tố kết cấu rất cần được chú trọng vì nó thể hiện đặc trưng của ngôi nhà, phản ánh một trình độ và tư duy về bố trí không gian nội thất thiết kế hoàn hảo hay không. Nếu ngôi nhà của bạn không có yếu tố kết cấu, nó có thể đem lại cảm giác lạnh lẽo, kém thân thiện, trống trải. Khi thiết kế, không nên vứt bỏ quá nhiều thứ, nhưng cũng không nên trang trí thừa thãi quá mức. Hãy kết hợp yếu tố kết cấu tối giản bằng cách sử dụng các vật dụng như thảm dệt, gối đan bằng len, lọ hoa sứ, rổ nan tre,…

 

2. Thiết kế hệ thống chiếu sáng không phù hợp

Một trong những sai lầm phổ biến nhất khi thiết kế không gian tối giản là không xem xét kỹ tầm quan trọng của ánh sáng tốt. Nếu không gian sống của bạn quá tăm tối và thiếu đi ánh sáng tự nhiên, ngôi nhà sẽ trở nên u ám, buồn tẻ. Nếu ngôi nhà sáng quá mức thì lại gây ra cảm giác khó chịu, nhức mỏi mắt. Để tạo ra một không gian tối giản phù hợp, gia chủ cần lưu ý cân bằng được giữa nguồn ánh sáng tự nhiên và lắp đặt hệ thống chiếu sáng nhân tạo. Đèn bàn với ánh sáng dịu, đèn led, đèn decor bóng nhỏ nên là những ưu tiên thay vì lắp hệ thống đèn chùm pha lê quá sang trọng. 

 

3. Phối màu sắc quá đơn giản 

Theo chủ nghĩa phong cách tối giản không đồng nghĩa với việc bạn trang trí toàn bộ căn nhà của mình bằng độc nhất một tone màu tẻ nhạt. Tối giản là sự phối hợp của một bảng màu trung tính, mang lại cảm giác nhẹ nhàng, tinh tế và thanh lịch, nên bạn đừng ngần ngại trong việc phối hợp các sắc màu đồng điệu với nhau để tạo ra hiệu quả về mặt thẩm mỹ cao nhất. Việc thêm một chút màu sắc thay vì phủ kín căn nhà bằng chỉ một tone màu như màu trắng sẽ tăng thêm sức hấp dẫn cho không gian sống. Các vật phẩm như tranh treo tường, bể cá hay cây xanh cũng có thể góp phần làm cho không gian sống của bạn có điểm nhấn hơn.

 

4. Phối màu sắc quá sặc sỡ và tùy hứng

Ngược lại với tình trạng màu sắc “tẻ nhạt”, nhiều gia đình lại cố gắng phối quá nhiều màu sắc ngẫu hứng theo sở thích cá nhân khiến không gian có bố cục lộn xộn, “rực rỡ” quá mức. Phong cách thiết kế Minimalism thường giản dị trong chọn lựa màu sắc. Các gam màu thường được sử dụng cũng là các màu trung tính, nhẹ nhàng, đặc biệt là khi chọn màu sơn tường. Một ngôi nhà có thẩm mỹ cao là không gian màu sắc hòa hợp, tương đồng, bổ trợ cho nhau để không gây cảm giác rối loạn và khó chịu cho đôi mắt. Không nên cố gắng nhồi nhét quá nhiều màu sắc khác nhau gây nên sự mất cân đối. Nếu chủ nhà gặp khó khăn trong việc phối hợp các màu sắc ăn ý, hãy yên tâm vì đội ngũ KASI luôn ở bên cạnh sẵn sàng giúp đỡ và tư vấn tận tình. 

 

5. Không cân nhắc kĩ giải pháp lưu trữ đồ đạc

Tiêu chí của phong cách tối giản là tránh cảm giác rối nhiễu, tránh bố trí quá nhiều dẫn đến dư thừa đồ đạc. Nhưng nếu bạn không đưa ra giải pháp thích hợp cho việc cất và tích trữ đồ đạc, không gian sống sẽ dần trở nên lộn xộn. Để phòng tránh điều đó, gia chủ nên tích hợp giải pháp lưu trữ đồ đạc cùng với việc thiết kế nội thất của ngôi nhà, nhưng vẫn cần đảm bảo tính tối giản trong từng chi tiết. Bạn có thể làm điều đó bằng cách xây dựng kệ sách âm tường, hoặc tận dụng không gian lưu trữ, cất đồ đạc bằng cách tích hợp tủ cùng giường ngủ hoặc tủ nhỏ dưới chân cầu thang.

 

6. Tầm quan trọng của khoảng không gian trống

Không gian trống là một phần quan trọng trong việc thực hiện phong cách thiết kế tối giản. Nó giúp tạo sự cân bằng và hòa hợp giữa đồ nội thất và đồ trang trí. Nếu các đồ đạc đặt lộn xộn và quá gần nhau, sát cạnh nhau sẽ làm cho tổng thể không gian trở nên rối mắt, dễ gây vướng víu. Hoặc đơn giản là bài trí quá nhiều đồ không cần thiết cũng gây lãng phí và chật hẹp cho không gian. Không gian trống chính là một yếu tố cần thiết để giúp căn nhà của bạn có cảm giác thông thoáng, rộng rãi hơn. Một số cách tích hợp không gian trống có thể kể đến như xây một bức tường trống làm vách ngăn giữa các gian, hoặc không chất quá nhiều sách lên kệ,… Nếu như có quá nhiều đồ đạc, bạn có thể sử dụng tủ đồ che khuyết điểm. 

 

7. “Đánh mất” phong cách cá nhân

Khi thiết kế không gian theo Minimalism, cũng có nhiều người “tuân thủ quá mức nghiêm ngặt” những tiêu chí khuôn mẫu của phong cách. Nếu luôn luôn lo lắng, trăn trở về từng món đồ mình bố trí trong nhà có phù hợp với không gian tối giản không dù bản thân rất yêu thích nó thì ngôi nhà của bạn sẽ thiếu đi một chút màu sắc cá nhân – nét riêng biệt đánh dấu đây chính là tổ ấm của gia đình bạn. Ngôi nhà của mỗi người sẽ phản ánh rõ nhất những trải nghiệm và sở thích cá nhân của từng gia đình. Thay vì quá tập trung theo khuôn mẫu, nguyên tắc của Minimalism, bạn hãy cố gắng thực hiện những gì cơ bản cốt lõi nhất đáp ứng “less is more”. Phần còn lại chính là tư duy, là tâm hồn nghệ thuật của riêng bạn. Hãy thể hiện phong cách cá nhân một cách tự do và sảng khoái nhất để tạo ra không gian sống ưng ý, tràn ngập niềm vui và đón chào khách tới thăm. 

Bên cạnh đó, cũng nhiều người đánh mất phong cách cá nhân khi chăm chăm xây nhà theo mẫu giống hệt nhà khác. Cùng phong cách không đồng nghĩa với việc bài trí không gian cũng phải giống hệt nhau. Mỗi nhu cầu và vị trí khác nhau sẽ có một sự lựa chọn thiết kế khác nhau, điều quan trọng là gia chủ phải cảm nhận và thực sự yêu thích mẫu thiết kế đó. Đừng để việc cố bắt chước người khác khiến không gian sống của bạn gò bó và cứng nhắc. Hãy tự thể hiện phong cách cá nhân của bạn, khám phá sự sáng tạo riêng của bạn với nguồn cảm hứng tuyệt vời. 

Thiết kế không gian sống sao cho lý tưởng luôn là nỗi trăn trở bấy lâu nay của những ai đang hoặc chuẩn bị xây nhà. Nắm vững những điều cơ bản như trên sẽ giúp các bạn không mắc phải những sai lầm đáng tiếc khi thiết kế nhà theo phong cách tối giản. Đặc biệt, việc trao đổi và thống nhất ý tưởng sẽ dễ dàng hơn khi bạn làm việc với bộ phận thiết kế và thi công của KASI. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về Minimalism và đừng quên theo dõi trang Kiến thức của KASI để cập nhật nhiều hơn nữa những bài viết hữu ích nhé!

Bài viết bởi
Chia sẻ
Từ khoá:

Bài viết cùng chuyên mục